Thống đốc ngân hàng: 'Cho vay thỏa thuận, lãi suất sẽ giảm'
Tại buổi làm việc với Thống đốc Nguyễn Văn Giàu sáng nay về lãi suất thỏa thuận, các ngân hàng lớn cho biết vẫn có thể cân đối nếu cho vay với lãi suất dưới 14-14,5%, thay vì mặt bằng 16-17 thậm chí 18% như hiện nay.
> Mở rộng cơ chế lãi suất thỏa thuận
Sau buổi họp ngoài Hà Nội, buổi chiều Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu lại bay vào Nam để lắng nghe ý kiến các ngân hàng nơi đây, lường trước diễn biến lãi suất huy động cũng như cho vay khi mở rộng triển khai cơ chế thỏa thuận với cả các khoản vay ngắn hạn, trung và dài hạn. Ông trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này ngay trước chuyến bay.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu. Ảnh: PV
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu. Ảnh: PV
- Nhiều ý kiến lo ngại triển khai cơ chế thỏa thuận sẽ đẩy lãi suất tăng cao. Xin cho biết quan điểm của Thống đốc?
- Lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng đang ở mức cao, xét theo lãi suất thực dương và khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Tuy nhiên, thị trường hiện nay dần ổn định trở lại và tại buổi gặp sáng nay, các ngân hàng lớn cho biết họ có thể cân đối cho vay dưới 14% với các khoản ngắn hạn và 14,5% với các khoản trung dài hạn. Tôi muốn nghe thêm ý kiến của các ngân hàng khu vực phía Nam. Thực tế thì các ngân hàng thương mại quốc doanh đang có lộ trình lấy lại khách hàng tốt. Họ áp lãi suất vừa phải mới hút được khách, nếu khách chưa chấp nhận họ sẽ tiếp tục hạ lãi suất. Như Ngân hàng Nông nghiệp hiện cho vay một số khoản với lãi suất dưới 12% một năm.
Các ngân hàng cổ phần sẽ nhìn vào khối quốc doanh để cân nhắc chính sách lãi suất của mình. Nếu họ cho vay càng cao có nghĩa họ phải chấp nhận rủi ro lớn hơn.
Về phần mình, Ngân hàng Nhà nước đã và đang thực hiện các biện pháp đồng bộ để ổn định lãi suất thị trường theo xu hướng giảm dần như tích cực hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng ở các kỳ hạn dài hơi hơn, khối lượng lớn hơn so với trước đây, chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong cung ứng vốn và điều chỉnh lãi suất giảm dần phù hợp diễn biến nền kinh tế.
- Lãi suất cho vay phần lớn đã theo cơ chế thỏa thuận, vậy còn lãi suất huy động thì sao thưa Thống đốc?
- Có một thực tế là khi thỏa thuận huy động với lãi suất dưới 10,5% một năm, các ngân hàng đã khuyến mại thêm, có nơi đưa lãi suất thực lên 11% thậm chí 12%. Trong buổi họp sáng nay, các ngân hàng lớn muốn bỏ dần việc cộng thêm lãi suất và giữ ổn định mặt bằng như hiện nay để tiến tới giảm dần. Có như vậy mới đảm bảo ổn định lãi suất đầu ra.
Ngân hàng Nhà nước cũng triển khai các biện pháp hỗ trợ như hạ lãi suất trên thị trường mở, duy trì lãi suất thấp trên thị trường liên ngân hàng với kỳ hạn ngắn. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ nghiên cứu hỗ trợ trực tiếp cho các ngân hàng nhỏ, gặp khó về thanh khoản.
- Tín dụng tăng trưởng thấp trong ba tháng đầu năm được cho là do thiếu thanh khoản. Liệu khi triển khai cơ chế thỏa thuận, tín dụng có tăng cao trở lại?
- Thực ra tăng trưởng tín dụng 3,34% trong ba tháng đầu năm không phải là thấp xét tới điều kiện kinh tế hiện nay. Và áp dụng cơ chế lãi suất thỏa thuận không đồng nghĩa là cho vay được nhiều hơn. Bởi ngân hàng chỉ được phép cho vay thỏa thuận với các dự án hiệu quả, với các điều kiện chặt chẽ, còn các dự án hiệu quả sẽ không cho vay.
Quả thực trong thời gian cuối năm 2009 và dịp Tết Nguyên đán Canh Dần, các ngân hàng thương mại gặp khó khăn về thanh khoản do một số ngân hàng dự trữ thanh toán thấp và tổ chức kinh tế, Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm xã hội rút khoảng 60.000 tỷ đồng để giải ngân theo tính quy luật hằng năm. Để hỗ trợ, vào những ngày giáp Tết, Ngân hàng Nhà nước đã cung ứng cho các ngân hàng thương mại 70.000 tỷ đồng và rút dần về sau Tết. Có ý kiến phê bình chúng tôi do không bơm mạnh thêm lượng tiền cung ứng trong tháng một và hai nên thanh khoản và tín dụng tăng chậm, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Nhưng có ý kiến đánh giá nếu bơm tiền cung ứng mạnh thêm trong hai tháng đầu năm sẽ tác động mạnh làm tăng chỉ số giá tiêu dùng và có thể cao hơn 4,12%.
Nhìn chung, trong quý một, tổng phương tiện thanh toán và tín dụng có xu hướng tăng dần. Huy động vốn đang có xu hướng tăng trở lại, đến cuối tháng 3 tăng 3,8% so với cuối năm 2009, đặc biệt là tiền gửi của dân cư tăng 9,2%.
- Dư luận đang lo ngại lạm phát tăng cao khi mà chỉ số giá tiêu dùng quý một đã tăng tới 4,12%, cao hơn cùng kỳ các năm khác. , nhất là thông thường chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 giảm hoặc chỉ tăng nhẹ, nhưng năm nay đã tăng đến 0,75%. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
- Chỉ số giá tiêu dùng tăng cao chủ yếu do nhu cầu tăng cao trong dịp Tết, giá cả nhập khẩu tăng, Nhà nước điều chỉnh một số mặt hàng làm tăng giá thành sản phẩm. Yếu tố tiền tệ tác động tới lạm phát không lớn, do từ tháng 7/2009, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và thận trọng, kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức thấp.
Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành phân tích, làm rõ những nguyên nhân chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức cao và thực hiện các giải pháp đồng bộ để kiểm soát giá cả hàng hóa, trong đó chú trọng các giải pháp đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế như xuất - nhập khẩu, nhập siêu, chi tiêu ngân sách nhà nước, quản lý giá thị trường.
- Mục tiêu năm 2010 là kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng không quá 7% và đảm bảo tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5%. Để thực hiện các mục tiêu này, dường như gánh nặng dồn lên vai chính sách tiền tệ?
- Để đạt được các mục tiêu kinh tế vĩ mô theo Nghị quyết của Quốc hội, cần phải thực hiện đồng bộ các chính sách kinh tế vĩ mô như chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại và giá cả…; trong đó, nhiệm vụ của chính sách tiền tệ khá nặng nề. Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng với mục tiêu kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán khoảng 20% và tín dụng khoảng 25%, điều tiết lãi suất và tỷ giá theo hướng ổn định. Một loạt các biện pháp cũng đã được triển khai và về cơ bản hoạt động ngân hàng an toàn, đảm bảo khả năng thanh toán, lãi suất và tỷ giá diễn biến theo xu hướng ổn định.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng công tác dự báo kinh tế vĩ mô và tiền tệ; bám sát các mục tiêu tiền tệ đã được xác định để điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp đồng bộ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác theo chỉ đạo của Chính phủ, góp phần đạt được các mục tiêu kinh tế vĩ mô trong năm 2010.